Chăm sóc người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Tỉnh Nam Định.
Việc thực hiện đón tiếp, tổ chức điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Nam Định có nhiệm vụ tổ chức khám, chăm sóc, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tham quan ngoại khóa… nhằm nâng cao sức khỏe của người có công. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên cán bộ trung tâm luôn nêu cao ý thức “được phục vụ” để các bác thực sự hài lòng. Tất cả cán bộ, nhân viên của trung tâm đều phải nắm chắc chế độ chính sách, tiêu chuẩn của người có công, giải thích rõ ràng, rành mạch và thực hiện nghiêm túc với thái độ phục vụ tốt nhất.
- Thực tế cho thấy, có nhiều thương, bệnh binh bị di chứng chiến tranh, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tâm lý, đòi hỏi công tác phục vụ không những phải tốt về kỹ năng, mà còn phải thực sự tinh tế, chú trọng yếu tố tinh thần. Khi thực hiện điều dưỡng các cán bộ, nhân viên luôn nhấn mạnh sức mạnh của nụ cười trong việc hóa giải sự nóng giận, coi người có công là người thân, đồng thời, luôn phải rút kinh nghiệm từ những thiếu sót.
Thêm nữa, phải tính toán chu đáo từng chi tiết trong công tác phục vụ, ngay từ khi đón các bác tại thành phố, huyện, cho đến khi tiếp đón tại trung tâm. Tất cả phải thể hiện được tinh thần người có công đến với trung tâm là trở về với gia đình. Với các bữa ăn, ngoài việc thực hiện đúng, đủ chế độ, tiêu chuẩn, cán bộ còn chú trọng bày biện mâm cơm sao cho đẹp và ấm cúng. Tất cả phải kỹ lưỡng từng chi tiết, thể hiện được sự chân thành, trân trọng, yêu thương.
Năm 2025, Sở Nội vụ Tỉnh Nam Định giao chỉ tiêu cho trung tâm tổ chức điều dưỡng hơn nghìn lượt người có công. Nhờ tổ chức khoa học, cách làm chuyên nghiệp, khoảng 30% khối lượng công việc đã được chúng tôi hoàn thành, dù chưa hết kỳ 3 tháng đầu năm.
Điều băn khoăn của trung tâm là giữ được những cán bộ, nhân viên giỏi, giàu kinh nghiệm, bảo đảm công tác phục vụ người có công được duy trì ổn định và đạt hiệu quả cao nhất. Tình yêu nghề và tinh thần “được phục vụ” neo giữ chúng tôi với công việc, nhưng thực tế là chế độ chính sách, lương, thưởng của cán bộ, nhân viên của trung tâm còn rất hạn chế, khó bảo đảm đời sống. Trong khi đó, công việc của chúng tôi mang tính chất bảo trợ xã hội, góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho người có công.
Dẫu còn khó khăn, phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi là sự động viên của các bác, khi chia sẻ “chúng tôi thích đến đây”; hoặc việc các bác ngắm mâm cơm đẹp, "livestream" về cho gia đình xem; hay niềm vui của các bác khi được tổ chức sinh nhật, liên hoan văn nghệ, trong không khí đầm ấm, thân thiết… Xúc động nhất là khi về đến nhà, các bác gọi điện đến nói: “Bác về được vài tiếng rồi mà vẫn còn nguyên sự cảm kích tình nghĩa các cháu dành cho các bác, còn nguyên hình ảnh ánh mắt, nụ cười và cả những cái vẫy tay tạm biệt hẹn gặp lại”. Thực vậy, các bác đến với trung tâm chính là để được yêu thương, được kính trọng, vì thế lưu luyến, bịn rịn khi chia tay…
Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc